|
1. Bệnh vàng lá thối rễ: * Tác nhân, triệu chứng: nấm bệnh Phytophthora tấn công cây ở bộ phận rễ non, tiết độc tố gây tắt mạch dẫn làm hư rễ, hư vỏ rễ. Đối với phần rễ bị nấm bệnh tấn công vỏ rễ dễ tuột ra khỏi lõi rễ, và có mùi thối đặc trưng (Ảnh 1b). Khi bị nấm bệnh tấn công, rễ bị hư, cây không hấp thụ được nước và dinh dưỡng dẫn đến lá vàng, rụng và chết dần; lá già rụng trước rồi đến các lá non phía trên (Ảnh 1a). * Biện pháp quản lý: đảm bảo vườn thoát nước tốt, nhất là vào mùa mưa; - Loại bỏ cây bị quá nặng kết hợp rải vôi và dùng thuốc xử lý đất; - Đối với các cây nhiễm nhẹ: cắt nhẹ cành vàng lá, sau đó sử dụng thuốc hóa học chứa các gốc Mancozeb + Metalaxyl; Fosetyl-aluminium; hay Dimethomorph tưới xung quanh gốc (2 lần cách nhau 1 tuần). - Bổ sung phân hữu cơ kết hợp Trichoderma và lân theo liều lượng khuyến cáo của nhà sản xuất sau phun thuốc hóa học 20-30 ngày; * Lưu ý: để phòng ngừa và ngăn bệnh tái phát cần - Xử lý đất trồng thật kỹ trước khi trồng. - Bón bổ sung phân chuồng hàng năm giúp đất tơi xốp, giàu dinh dưỡng, hệ sinh vật trong đất phát triển; kết hợp để cỏ trong vườn, giúp đất thông thoáng và tạo điều kiện cho các chủng nấm có lợi sinh sống. - Xây dựng hệ thống thoát nước trong vườn tốt. - Thường xuyên thăm vườn để phát hiện bệnh sớm và có biện pháp xử lí kịp thời. 2. Bệnh nứt thân chảy nhựa: * Tác nhân, triệu chứng: nấm bệnh Phytophthora lưu tồn trong đất, xác bả thực vật khi gặp điều kiện thuận lợi xâm nhập qua các vết nứt có sẵn trên thân cành và gốc cây. Mầm bệnh có thể lây lan và phát tán thông qua nước tưới, côn trùng, nước mưa và các dụng cụ làm vườn. Khi nấm bệnh tấn công, vết bệnh ban đầu là những đốm vỏ bị biến màu (như bị thấm nước), sau đó chuyển sang màu nâu đen rỉ nhựa ướt, mầm bệnh phát triển nặng dần, vỏ cây nơi vết bệnh tấn công sẽ bị khô, thâm, nứt và chảy nhiều nhựa nâu đỏ (Ảnh 2). Phần vỏ và gỗ bên dưới chỗ bị bệnh chuyển màu hồng nhạt,chuyển dần sang nâu tím, bó mạch bị thâm đen. Bệnh nặng cây sẽ rụng lá, khô cành và chết dần. * Biện pháp quản lý: đảm bảo thoát nước tốt, nhất là vào mùa mưa - Vệ sinh, xử lý các bộ phận bị bệnh: khi thấy có vết bệnh thì dùng dao cạo bỏ vỏ và lõi bị chuyển màu (hồng nhạt, nâu); sau đó sử dụng thuốc hóa học chứa các gốc Fosetyl-aluminium, Mancozeb + Metalaxyl quét lên vết bệnh. * Lưu ý: để phòng ngừa và ngăn bệnh tái phát cần: - Chủ động thoát nước tốt trong vườn (giữ mực nước cách mặt liếp ≥1m). - Tăng cường sử dụng phân hữu cơ + Trichoderma/Streptomyces - Vào mùa mưa: rải vôi xung quanh tán + quét vôi/(dung dịch đồng) lên thân cây (từ gốc - 1m thân ); hạn chế tạo vết trầy xướt lên thân cây hoặc rễ và không nên xới gốc. - Tỉa cành gần mặt đất. - Kiểm tra vườn thường xuyên. Bên cạnh đó, người dân cần lưu ý, tuân thủ nguyên tắc 4 đúng trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, và đảm bảo thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng nhằm hạn chế tối đa các mối nguy hại ảnh hưởng đến môi trường./. Nguồn: Bản tin NNNT |