Tại một số tỉnh thành, bên cạnh mai vàng, hoa lan là một trong những sản phẩm mang lại hiệu quả kinh tế cao nên diện tích sản xuất ngày càng nhân rộng. Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế ở các vườn lan trên nhiều địa phương khác nhau từ trước đến nay, tôi nhận thấy có khá nhiều người trồng lan xử lý dịch hại rất bị động – khi xảy ra dịch mới tìm cách xử lý, chưa chủ động phòng ngừa, nên tỷ lệ hao hụt khá lớn, có vườn bị dịch hại đến 20 – 30% và điều này dẫn đến thu nhập giảm sâu, hiệu quả kinh tế không như kỳ vọng.
Vì vậy, việc quản lý dịch hại đối với vườn lan là hết sức quan trọng. Nó đòi hỏi người trồng phải nắm kỹ thuật xử lý và biết vận dụng linh hoạt, cụ thể như sau:
1. Các yếu tố chung có ảnh hưởng đến việc tình hình dịch hại
– Do mỗi giống lan, loài lan khác nhau có những dịch hại giống và khác nhau, vì vậy người trồng cần phải nắm rõ các đặc điểm sau: với lan Phalaenopsis (Hồ Điệp), Ngọc điểm, thường bị thối nhũn do vi khuẩn Ewinia sp. gây ra và thường bị hơn các loại lan khác hoặc lan Mokara màu đỏ dễ bị bệnh đóm mắt én do Guignadia sp. hơn các màu khác,… Bên cạnh đó, người trồng cũng cần hiểu rõ về địa hình vườn và đặc điểm thời tiết, khi hậu tiểu vùng ở khu vực của mình, từ đó có biện pháp quản lý dịch hại và xử lý tối ưu nhất.
– Khi thiết kế vườn lan cần tính đến độ thông thoáng trong vườn; các góc ánh sáng phải tương đối đều và tỷ lệ % ánh sáng phải thích hợp với từng loài lan để cây sinh trưởng và phát triển tốt nhất, hạn chế nấm bệnh phát sinh.
– Xác định thứ tự ưu tiên các việc cơ bản cần xử lý trong vườn: thứ nhất là vệ sinh vườn (cỏ, rác, mẫu bệnh,…); thứ hai là xử lý bệnh và sau cùng là bón phân.
2. Quản lý dịch hại vào mùa nắng
Mùa nắng nhện đỏ, rệp các loại, bọ trĩ thường phát triển mạnh do sinh sản trong điều kiện khô và nóng. Do đó, khoảng thời gian này cần tưới nước đầy đủ và đảm bảo môi trường đủ ẩm, mát sẽ khiến chúng khó phát triển. Đồng thời, khoảng 01 tuần/lần nên tưới nước ngược từ phía dưới lên, việc này sẽ giúp cho nhện đỏ bị rửa trôi và trứng không nở được.
Lan bị vàng lá do rệp vì quản lý dịch hại chưa tốt
3. Quản lý dịch hại vào mùa mưa
Trong quá trình chăm sóc việc hiểu và biết rõ tác dụng của từng loại phân bón cho từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cây lan là rất cần thiết. Đồng thời, cũng cần linh động tăng, giảm, thay đổi tùy theo tình hình tăng trưởng của cây lan và thời tiết của từng mùa mưa nắng khác nhau.
Vào mùa mưa, độ ẩm cao, cây có xu hướng lớn nhanh hơn mùa nắng nhưng yếu ớt, dễ nhiễm bệnh, khi bón phân nên giảm hàm lượng đạm. Mặt khác, cần tăng cường kiểm soát và chủ động phun ngừa các loại bệnh có thể phát sinh đặc biệt là bệnh do nấm Phytophthora sp. gây ra trên giống lan Dendrobium, Oncidium (Vũ nữ), Cattleya, Mokara,… Loại thuốc kiểm soát bệnh này hiệu quả là Aliette và Ridomil Gold. Riêng Ridomil, do có thêm hoạt chất Mancozeb có thể ngừa và trị được vài chục loài nấm (mốc) gây bệnh, nên các bệnh phổ biến khác cũng ít phát triển thành dịch.
Lan Mokara bị thối đen do Phytophthora sp
Ngoài Phytophthora thì các vườn lan Dendrobium còn thường gặp một loại bệnh phổ biến khác do nấm Cercospora sp. gây ra với triệu chứng: lá bị đốm và rụng dần làm cây còi cọc, hoa ngắn,…. Để phòng ngừa, nên kiểm soát không để độ ẩm trong vườn quá cao (biểu hiện là trên mặt giá thể hay có tảo xanh, còn gọi là rong nhớt) có ý nghĩa rất quan trọng.
Trường hợp nếu vườn đã xuất hiện bệnh thì việc đầu tiên cần làm là tạm dừng bón phân qua lá và các chất điều hòa sinh trưởng; đồng thời, giảm nước tưới, sau cùng phun thuốc bảo vệ thực vật, phun vài lần, mỗi lần cách nhau 5 – 6 ngày.
Nghệ nhân Hai Riều